20/1/16

PHÒNG GD & ĐT TÂN HIỆP           
KỲ THI CHỌN HS GIỎI VÒNG HUYỆN
Năm học: 2014 – 2015
Môn: Ngữ văn
Thời gian: 150 phút (không kể thời gian giao đề)

CÂU 1: (3điểm)
     Đọc kĩ khổ thơ sau rồi thực hiện những yêu cầu bên dưới:
                             “Không có kính rồi xe không có đèn,
                             Không có mui xe, thùng xe có xước,
                             Xe vẫn chạy vì miền Nam phía trước:
                             Chỉ cần trong xe có một trái tim.”
     a/ Hãy chỉ ra những biện pháp nghệ thuật đã được sử dụng trong đoạn thơ.
     b/ Nêu giá trị diễn đạt của những biện pháp nghệ thuật đó.

CÂU 2: (5 điểm)
     Từ sự hồi sinh của nhân vật Giôn-xi trong “ Chiếc lá cuối cùng” của O Hen-ri, hãy viết đoạn văn ngắn (Không quá nửa trang giấy thi) trình bày suy nghĩ của em về sức mạnh của tình yêu thương giữa con người với con người trong cuộc sống.
CÂU 3: Tập làm văn ( 12 điểm)
     Để góp phần bảo vệ vững chắc biển đảo thiêng liêng của Tổ quốc, trong thời gian qua, cả nước đã phát động nhiều phong trào, chương trình gây quỹ ủng hộ quân dân biển đảo như phong trào “ Vì biển đảo thân yêu”, “Vì Trường Sa thân yêu- Vì tuyến đầu Tổ quốc” và chương trình “Góp đá xây Trường Sa”….Em hãy viết bài văn nghị luận nêu ý nghĩa của việc thực hiện các phong trào, chương trình nêu trên và cho biết cảm nghĩ của em về các anh chiến sĩ Trường Sa đang ngày đêm canh giữ biển trời của Tổ quốc.

------- HẾT-----

HƯỚNG DẪN CHẤM VÀ BIỂU ĐIỂM MÔN NGỮ VĂN:

A.  YÊU CẦU CHUNG:
-         Giám khảo vận dụng hướng dẫn chấm phải chủ động, linh hoạt, tránh cứng nhắc, máy móc và phải biết cân nhắc trong từng trường hợp cụ thể để ngoài việc kiểm tra kiến thức cơ bản, giám khảo cần phát hiện và trân trọng những bài làm thể hiện được tố chất của một học sinh giỏi ( kiến thức vững chắc, có năng lực cảm thụ sâu sắc, tinh tế, kĩ năng làm bài tốt, diễn đạt có cảm xúc, có giọng điệu riêng…). Đặc biệt khuyến khích những bài làm có sự sáng tạo, có phong cách.
-         Giám khảo cần đánh giá bài làm của học sinh một cách tổng thể ở từng câu và cả bài, không đếm ý cho điểm, nhằm đánh giá bài làm của học sinh trên cả hai phương diện: kiến thức và kĩ năng.
-         Hướng dẫn chấm chỉ nêu những ý chính và các thang điểm cơ bản, trên cơ sở đó, giám khảo có thể thống nhất để định ra các ý chi tiết và các thang điểm cụ thể hơn.
-         Nếu thí sinh làm bài theo cách riêng nhưng đáp ứng được yêu cầu cơ bản, hợp lí, có sức thuyết phục, giám khảo căn cứ vào thực tế bài làm để đánh giá, cho điểm một cách chính xác, khoa học, khách quan.
-         Điểm toàn bài là 20,0 chi tiết đến 0,5.
B.   HƯỚNG DẪN CỤ THỂ:
Câu 1: (3điểm)
a.     Chỉ ra được những biện pháp nghệ thuật được sử dụng trong đoạn thơ: 1,5điểm. Cụ thể:
+ Phép điệp ngữ: “ không có”à (0,75đ)
+ Hoán dụ: “ trái tim” à (0,75đ)
b.    Học sinh trình bày được giá trị diễn đạt của các biện pháp nghệ thuật được sử dụng trong đoạn thơ. (1,5đ)
+ Phép điệp ngữ góp phần làm nhấn mạnh tính chất hư hại của những chiếc xe. Từ đó làm nổi bật sự ác liệt của chiến tranh cũng như hiện thực về cuộc sống của người lính. (0,75đ)
+ Phép hoán dụ  góp phẩn nhấn mạnh, làm nổi bật sức mạnh chiến đấu, ý chí kiên cường của người lính lái xe. (0.75đ)
          Câu 2: (5 điểm)
                             Bài làm cần đảm bảo các yêu cầu sau:
          1. Đáp án:
              a/ Về kiến thức: Đây là một đề tương đối mở, thí sinh có thể trình bày theo nhiều cách khác nhau với nhiều thao tác nghị luận khác nhau, song cần phải bám vào nội dung văn bản “ Chiếc lá cuối cùng”, đặc biệt là sự hồi sinh của nhân vật Giôn-xi để xác định các luận điểm cần có trong bài văn.( Lưu ý: Không được thoát ly, đồng thời cũng không được sa vào phân tích, bình luận sự việc có trong văn bản đã cho). Sau đây là một số gợi ý:
                   + Tình yêu thương có khả năng đem lại cho con người niềm tin, khát vọng, nghị lực, bản lĩnh và có khi là cả sự sống…( Phân tích, dẫn chứng…)
                   + Tình yêu thương giữa con người với con người góp phần quan trọng trong việc làm nên ý nghĩa cao đẹp của cuộc sống. ( Phân tích, dẫn chứng…)
                   + Con người cần phải biết đem lại cho nhau tình cảm và tấm lòng yêu thương lẫn nhau…
                   + Hậu quả của việc sống thiếu tình yêu thương…
                   + Nhận thức và hành động của bản thân ( trong cuộc sống gia đình và xã hội) về tình yêu thương giữa con người với con người.
            b/ Về kỹ năng:
                   + Viết được đoạn văn nghị luận với bố cục hoàn chỉnh.
                   + Biết kết hợp các thao tác nghị luận trong quá trình làm bài: Phân tích, chứng minh, bình luận…
                   + Không mắc lỗi về dùng từ, đặt câu, chính tả.
     2. Biểu điểm:
          + Đảm bảo các yêu cầu về kiến thức và kỹ năng à 5,0 điểm
          + Bảo đảm các yêu cầu về kiến thức nhưng còn hạn chế về kỹ năng à 3,5điểm
          + các trường hợp khác, tùy mức độ cho dưới 3,5 điểm.
CÂU 3: TẬP LÀM VĂN (12điểm)
A. Đáp án:
     1. Yêu cầu về kỹ năng:(2 điểm)
          Học sinh biết cách viết bài văn nghị luận xã hội. Bố cục bài văn hợp lí, rõ ràng; tổ chức sắp xếp ý một cách  lôgic  chặt chẽ diễn đạt lưu loát mạch lạc; chữ viết rõ ràng, cẩn thận; không quá 5 lỗi chính tả, không mắc lỗi dùng từ, ngữ pháp cơ bản.
     2. Yêu cầu về kiến thức: ( 10 điểm)
          Học sinh có thể trình bày theo nhiều cách, nhưng cần làm rõ các ý chính sau:
-         Giới thiệu vấn đề nghị luận:  Những phong trào, chương trình ủng hộ quân dân Trường Sa và hình ảnh các anh chiến sĩ đang ngày đêm bảo vệ vùng biển thiêng liêng của Tổ quốc. ( 1đ)
-         Nêu ý nghĩa của các phong trào, chương trình ủng hộ quân dân biển đảo: ( 3,5điểm)
  + Kêu gọi sự chung tay góp sức, chia sẻ của toàn thể nhân dân Việt Nam hướng về các chiến sĩ và nhân dân huyện đảo Trường Sa.
  + Thể hiện tinh thần đoàn kết, tình quân dân và tình yêu quê hương đất nước.
  + Xây dựng các công trình phục vụ công tác bảo vệ, chiến đấu và sinh hoạt của cán bộ, chiến sĩ hải quân; xây dựng nơi để ngư dân trú bão, chữa bệnh… khi đánh bắt hải sản ở vùng biển Trường Sa.
  + Hỗ trợ học bổng học nghề cho chiến sĩ quân chủng hải quân nhân dân Việt Nam đã hoàn thành nhiệm vụ ở Trường sa.
-         Thể hiện tình cảm yêu quý, cảm phục trước những khó khăn, gian khổ, hiểm nguy mà các chiến sĩ Trường sa phải đối mặt. (3,5 điểm)
  + Sống xa gia đình, người thân.
  + Cuộc sống thiếu thốn trên biển đảo so với đất liền.
  + Thiên nhiên khắc nghiệt: nắng, gió, bão tố thường xuyên diễn ra có thể nguy hiểm đến tính mạng.
  + Sẵn sàng đối mặt với các thế lực thù địch ngày đêm đe dọa xâm chiếm vùng biển thiêng liêng của Tổ quốc.
-  Liên hệ bản thân:  (2điểm)
  + Kêu gọi người thân tham gia các phong trào, chương trình ủng hộ quân dân biển đảo.
  + Nêu gương các chiến sĩ Trường Sa vượt qua khó khăn vươn lên học tốt.
  + Thường xuyên viết thư thăm hỏi, động viên các chiến sĩ nơi tuyến đầu Tổ quốc.
  + Sẵn sàng đi bất cứ nơi đâu khi Tổ quốc cần.
  + Tuyên truyền về chủ quyền biển đảo của Tổ quốc bằng nhiều hình thức như viết bài dự thi, vẽ tranh về biển đảo…
-         Khẳng định ý nghĩa quan trọng của việc ủng hộ quân dân biển đảo: (1 điểm)
Thể hiện tình yêu và  quyết tâm bảo vệ toàn vẹn lãnh thổ của Tổ quốc.
C.   Biểu điểm:
-         Điểm 11 -12: Bài viết đáp ứng được đầy đủ các yêu cầu về kiến thức và kĩ năng. Kết cấu chặt chẽ, hành văn lưu loát, có sức thuyết phục, mắc ít lỗi chính tả, ít lỗi diễn đạt.
-         Điểm 9 – 10 : Đáp ứng được phần lớn các yêu cầu cơ bản trên. Kết cấu bài viết tương đối chặt chẽ, hành văn trong sáng, mắc một số ít lỗi diễn đạt.
-         Điểm 6-8: Đáp ứng được một nửa các yêu cầu trên. Không mắc quá nhiều lỗi diễn đạt.
-         Điểm 3-5: đáp ứng được vài ý trong các ý cơ bản trên, ý văn còn hời hợt. Kết cấu chưa chặt chẽ, hành văn chưa rõ ràng, mắc nhều lỗi.
-         Điểm 2: Đáp ứng được một trong các ý cơ bản trên. Kết cấu chưa chặt chẽ, hành văn chưa  rõ rang, mắc nhiều lỗi diễn đạt.
-         Điểm 1: Bài chưa đáp ứng được các yêu cầu trên. Lạc đề, diễn đạt kém.
-         Điểm 0: bài lạc đề hoàn toàn, nộp giấy trắng.

Lưu ý: Giám khảo cần cẩn trọng và tinh tế đánh giá bài làm của thí sinh trong tính cách chỉnh thể, phát hiện, trân trọng những bài có suy nghĩ, cảm nhận và giọng điệu riêng. Chấp nhận các cách kiến giải khác nhau ( kể cả không có trong hướng dẫn chấm) miễn là hợp lí, có sức thuyết phục.

Bạn muốn xem thêm!!!

0 Nhận xét cho: "Kỳ thi chọn HS Ngữ Văn giỏi vòng huyện Tân Hiệp năm 2014-2015"