19/1/16

PHÒNG GIÁO DỤC VÀ ĐÀO TẠO PHÙ NINH

ĐỀ THI CHỌN HỌC SINH GIỎI LỚP 9 NĂM HỌC 2015- 2016

Môn: NGỮ VĂN
Thời gian làm bài: 120 phút (Không kể thời gian giao đề)


Câu 1: (8đ)
Chuyện xưa kể lại rằng, một buổi tối, một vị thiền sư già đi dạo trong thiền viện, chợt trông thấy một chiếc ghế dựng sát chân tường nơi góc khuất. Đoán ngay ra đã có chú tiểu nghịch ngợm nào đó làm trái qui định: Vượt tường trốn ra ngoài chơi, nhưng vị thiền sư không nói với ai, mà lặng lẽ đi đến, bỏ chiếc ghế ra rồi quỳ xuống đúng chỗ đó.
          Một lúc sau, quả đúng có một chú tiểu trèo tường vào. Đặt chân xuống, chú tiểu kinh ngạc khi phát hiện ra dưới đó không phải là chiếc ghế mà là vai thầy mình, vì quá hoảng sợ nên không nói được gì, đứng im chờ nhận được những lời trách cứ và cả hình phạt nặng nề. Không ngờ vị thiền sư lại chỉ ôn tồn nói: “Đêm khuya sương lạnh, con mau về thay áo đi”. Suốt cuộc đời chú tiểu không bao giờ quên được bài học từ buổi tối hôm đó.
          Bài học từ câu chuyện trên gợi cho em những suy nghĩ gì?
Câu 2:(12đ)
      Một trong những phương diện thể hiện tài năng của người nghệ sĩ ngôn từ là am hiểu và miêu tả thành công thế giới nội tâm của nhân vật trong tác phẩm văn học. Bằng những kiến thức đã học về đoạn trích: “Kiều ở lầu Ngưng Bích” (Trích Truyện Kiều của Nguyễn Du) em hãy làm sáng tỏ điều đó?
                                                      --------- Hết ---------
Họ và tên thí sinh: ………………Số báo danh: ......................
                             Cán bộ coi thi không giải thích gì thêm

HƯỚNG DẪN CHẤM BÀI THI CHỌN HỌC SINH GIỎI LỚP 9

Câu 1: (8,0 điểm)
*Yêu cầu về kỹ năng:
- HS biết cách làm bài văn nghị luận xã hội dưới dạng một câu chuyện.
- Văn phong trong sáng, ngôn từ chọn lọc, lập luận sắc sảo, chặt chẽ.
*Yêu cầu về kiến thức:
- Học sinh có thể trình bày theo nhiều cách khác nhau, nhưng cần đảm bảo các nội dung sau:
1. Nêu tóm tắt nội dung và phân tích ý nghĩa câu chuyện: (3,0 điểm)
 - Trong câu chuyện trên chú tiểu là người mắc lỗi, làm trái qui định vượt tường trốn ra ngoài chơi. Hành động đó mang tính biểu trưng cho những lầm lỗi của con người trong cuộc sống.
- Cách xử sự của vị thiền sư có 2 chi tiết đáng chú ý:
+ Đưa bờ vai của mình làm điểm tựa cho chú tiểu lỗi làm bước xuống.
+ Không quở phạt trách mắng mà nói lời yêu thương thể hiện sự quan tâm lo lắng.
- Qua đó ta thấy vị thiền sư là người có lòng khoan dung, độ lượng với người lầm lỗi. Hành động và lời nói ấy có sức mạnh hơn ngàn lần roi vọt, mắng nhiếc mà cả đời chú tiểu không bao giờ quên.
- Câu chuyên cho ta bài học quí giá về lòng khoan dung. Sự khoan dung nếu đặt đúng lúc đúng chỗ thì nó có tác dụng to lớn hơn sự trừng phạt, nó tác động rất mạnh đến nhận thức của con người.
2. Suy nghĩ về lòng khoan dung trong cuộc sống: (4 điểm)
- Khoan dung là tha thứ rộng lượng với người khác nhất là những người gây đau khổ với mình. Đây là thái độ sống đẹp, một phẩm chất đáng quí của con người.
- Vai trò của khoan dung: Tha thứ cho người khác chẳng những giúp người đó sống tốt đẹp hơn mà bản thân chúng ta cũng sống thanh thản...Đặc biệt trong quá trình giáo dục con người, sự khoan dung đem lại hiệu quả hơn hẳn so với việc áp dụng các hình phạt khác. Khoan dung giúp giải thoát những hận thù, tranh chấp cân bằng cuộc sống, sống hòa hợp hơn với mọi người xung quanh.
- Đối lập với khoan dung là đố kị, ghen tỵ, ích kỉ, định kiến.
- Khoan dung không có nghĩa là bao che cho những việc làm sai trái.
* Lưu ý: Trong quá trình làm bài, thí sinh cần tìm được những dẫn chứng sinh động, phù hợp để làm sáng tỏ vấn đề.
3. Rút ra bài học nhận thức: (1 điểm)
- Cần phải sống khoan dung nhân ái.
- Sống khoan dung với người cũng chính là khoan dung với mình.
 Câu 2: (12,0 điểm)
A. Yêu cầu cần đạt:
Bài làm của học sinh cần đảm bảo những yêu cầu sau:
I. Yêu cầu về kỹ năng:
          - Biết cách làm bài văn nghị luận về một ý kiến bàn về văn học.
- Kết cấu chặt chẽ, diễn đạt trong sáng, khuyến khích các bài viết sáng tạo.
II. Yêu cầu về kiến thức:
          Trên cơ sở những kiến thức đã học về Truyện Kiều, đặc biệt là đoạn trích “Kiều ở lầu Ngưng Bích” cần làm rõ được sự am hiểu và miêu tả thành công thế giới nội tâm nhân vật Thúy Kiều là một phương diện thể hiện tài năng của Nguyễn Du với các nội dung sau:
          1. Giải thích ý kiến:
- Văn học phản ánh cuộc sống bằng hình tượng nghệ thuật, chủ yếu là hình tượng nhân vật trong tác phẩm. Một trong những phương diện thể hiện tài năng của nhà văn – người nghệ sĩ ngôn từ là am hiểu và miêu tả thành công thế giới nội tâm nhân vật.
- Miêu tả nội tâm trong tác phẩm văn học là tái hiện những suy nghĩ, cảm xúc, những băn khoăn trăn trở, những day dứt, suy tư, những nỗi niềm thầm kín và cả diễn biến tâm trạng của nhân vật.
Đó là biện pháp quan trọng để xây dựng nhân vật, làm cho nhân vật hiện lên sinh động, có hồn hơn. Nhà văn có thể miêu tả trực tiếp nội tâm gián tiếp bằng cách miêu tả qua cảnh vật, nét mặt, cử chỉ, trang phục của nhân vật.
2. Chứng minh qua đoạn trích:
a. Hoàn cảnh - Tình huống để Nguyễn Du miêu tả nội tâm nhân vật Kiều.
(1đ )
b. Miêu tả nội tâm trực tiếp qua những lời độc thoại nội tâm: ( 3đ)
- Tài năng của Nguyễn Du trước hết là để Kiều nhớ Kim Trọng trước nhớ cha mẹ sau rất hợp tâm lý của con người, hợp lô gic tình cảm.
- Cùng là nỗi nhớ nhưng cách nhớ khác nhau với những lí do khác nhau nên cách thể hiện cũng khác nhau. Nỗi nhớ Kim Trọng chủ yếu là liên tưởng ,hình dung và tưởng tượng. Nhớ cha mẹ chủ yếu là xót xa lo lắng thể hiện trách nhiệm và bổn phận của đạo làm con.
c. Miêu tả nội tâm gián tiếp qua cảnh vật thiên nhiên (bút pháp tả cảnh ngụ tình): (4đ)
- Cảnh thiên nhiên mênh mông hoang vắng và rợn ngợp qua 6 câu đầu thể hiện nỗi buồn và cô đơn của Kiều;
- Cảnh thiên nhiên trong 8 câu cuối thực sự là khung cảnh của bi kịch nội tâm. Mỗi cảnh vật thiên nhiên gợi những tâm trạng khác nhau trong lòng Kiều. Bức tranh thiên nhiên cũng là bức tranh tâm trạng.
d. Vai trò của nghệ thuật miêu tả nội tâm trong việc xây dựng thành công hình tượng nhân vật Kiều: Vẻ đẹp lòng hiếu thảo, thủy chung, ý thức về danh dự phẩm hạnh và thân phận cô đơn hoảng sợ của Kiều trước một tương lai đầy cạm bẫy.( 1đ)
3- Đánh giá:
Thành công trong việc miêu tả nội tâm nhân vật là một phương diện để thể hiện tài năng của nhà văn, làm nên sức sống cho hình tượng nhân vật, cho tác phẩm văn học. Có lẽ Truyện Kiều sống mãi một phần bởi nghệ thuật miêu tả nội tâm sâu sắc của Nguyễn Du. (1đ)

* Lưu ý:
     - Giám khảo cần vận dụng linh hoạt khi chấm để đánh giá đúng bài làm của học sinh.
     - Khuyến khích những bài viết sáng tạo.
     - Điểm toàn bài cho lẻ đến 0,5.
      
                                 ------------------ Hết -----------------

Bạn muốn xem thêm!!!

0 Nhận xét cho: "Đề thi chọn HSG Ngữ Văn 9 trường Phù Ninh năm 2015-2016"